Có rất nhiều lý do dẫn đến việc tư vấn tâm lý cho trẻ: chậm phát triển, vấn đề gia đình, vấn đề trường lớp. Làm sao để biết khi nào trẻ cần tư vấn tâm lý? Tìm ai để được tư vấn? Bạn mong đợi điều gì từ việc trị liệu tâm lý này? Dưới đây là 5 câu hỏi để tự hỏi bản thân trước khi quyết định.
Tóm tắt:
Tại sao nên đưa trẻ đi tư vấn tâm lý?
Khi nào thì tư vấn?
Tìm chuyên gia thuộc lĩnh vực nào để được tư vấn?
Việc tư vấn bao gồm những gì?
Bạn trông đợi điều gì từ việc trị liệu tâm lý này?
Sau gần một thập kỉ kể từ khi ngành tâm lý học trẻ em được xã hội hóa, càng ngày càng có nhiều gia đình tìm đến phòng tư vấn. Tuy nhiên, chất lượng của việc tầm soát bệnh và chất lượng các chuyên gia y tế không phải là lý do duy nhất dẫn đến điều này. Nhà phân tích tâm lý và nhà tâm lý học trẻ em, cho biết: “Bản chất xã đội thay đổi phát sinh nhiều vấn đề khác. Số lượng ly dị tăng cao dẫn đến càng ngày càng có nhiều các gia đình đơn thân hoặc tái hôn tìm đến các phòng tư vấn. Ngoài ra, ngày càng có nhiều trường hợp nghiện chất kích thích, nghiện rượu, thậm chí trầm cảm ở thanh thiếu niên, đôi khi có cả ở trẻ nhỏ. Đó là chưa kể đến có vài phụ huynh tự nhiên cho rằng con mình có thể bị tự kỷ hoặc phát triển sớm. Để cho dễ hình dung thì tôi cho là mỗi lớp học có ít nhất một em học sinh cần tư vấn tâm lý”
Không thể kể hết tất cả lý do của việc tư vấn tâm lý vì có rất nhiều và đa dạng nguyên nhân. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, điều làm cha mẹ lo lắng và cảnh giác đầu tiên là các triệu chứng (rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, buồn bã, v.v.). Khi đứa trẻ và/hoặc cha mẹ cảm thấy khó chịu hoặc có khó khăn, bất cứ điều gì cũng có thể là lý do để gặp các chuyên gia tâm lý. “Cách đây vài ngày, một người mẹ đến gặp tôi và kể rằng con gái cô ấy bị táo bón”. Rõ ràng, Agnès Pargade không phải là bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Nhưng khi cuộc thảo luận đi sâu hơn, rõ ràng vấn đề nằm ở việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Rằng “người mẹ này vì không có thời gian nên không muốn ngưng dùng tã để dạy con ngồi bô. Đằng sau một động cơ thoạt nghe có vẻ tầm thường, lại hay ẩn chứa một vấn đề thực sự cần được làm sáng tỏ. Kể từ thời điểm gia đình đến gặp tôi để được chăm sóc tâm lý, tôi có nghĩa vụ phải giúp họ."
Tùy theo độ tuổi khác nhau, các nguyên nhân thường gặp nhất để đưa trẻ đi tư vấn tâm lý là:
- Trước 3 tuổi: nguyên nhân chủ yếu thường liên quan đến sự chậm phát triển (khả năng học đi, học nói, v.v.), rối loạn giấc ngủ và nghi trẻ mắc bệnh tự kỷ, những điều này đã gây ra nỗi sợ hãi lớn ở các bậc cha mẹ.
- Sau 3 tuổi và khi vào mẫu giáo: trẻ gặp khó khăn khi bị tách khỏi cha mẹ, không thể tập trung ở trường hoặc có vấn đề về hòa nhập vào cộng đồng (ví dụ như chúng cắn hoặc đánh những đứa trẻ khác).
- Năm học đầu tiên (lớp 1) là năm học bản lề. Đó là lúc những vấn đề trẻ có thể gặp phải khi đi học được thể hiện ra rõ nhất (chứng khó đọc, dậy thì sớm, hiểu động quá mức).
- Các vấn đề về sự chưa trưởng thành xuất hiện từ năm lớp 5 đến lớp 6, ví dụ như trẻ còn chưa tự làm bài tập một mình được hoặc chưa thích nghi được tốt với trường cấp 2. Bạn cũng nên đưa bé gặp bác sĩ tư vấn khi, vì bất kì lý do gì, bé phải chịu đựng sự chế nhạo từ người khác.
- Từ lớp 8 đến lớp 9, các vấn đề của giai đoạn dậy thì bắt đầu xuất hiện (thay đổi ngoại hình ở tuổi dậy thì, biếng ăn, ăn không kiểm soát, nghiện rượu và chất kích thích)
- Giai đoạn bản lề cuối cùng là khi bắt đầu học cấp 3, khi chúng gặp khó khăn về định hướng sự nghiệp, bất đồng quan điểm với gia đình và những vần đề về tính dục.
“Nhìn chung, gia đình nhận ra rằng họ phải làm gì đó khi đạt đến mức độ chịu đựng của mình”. Có nhà tâm lý học giải thích rằng: “Khi nỗi lo lắng bắt đầu gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả gia đình, thì đó là lúc cần phải đi tư vấn tâm lý. Tâm thần học là về xem xét mức độ chịu đựng của nhau: mọi người ai cũng đều dễ thay đổi tâm trạng, có những ngày mọi thứ diễn ra tốt đẹp, nhưng cũng có những ngày mưa gió bão bùng khắp nơi. Nhưng nó sẽ là ngòi nổ cho tranh cãi trong gia đình khi một hoặc nhiều thành viên không thể chịu đựng được nữa”. Do đó, chúng ta cũng không thể định lượng hoặc đo lường mức độ này, nhưng trong trường hợp nghi ngờ, ý kiến và lời khuyên của bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ nhi khoa gia đình vẫn có thể hữu ích. Đặc biệt, họ cũng có thể giới thiệu cha mẹ đến gặp đồng nghiệp có chuyên môn hơn mình, nếu mọi chuyện không khả quan hơn.
Bác sĩ tâm lý hay bác sĩ tâm thần trẻ em? Đi tư vấn ở chỗ tư nhân hay ở các trung tâm chuyên nghiệp? Không phải lúc nào cha mẹ cũng dễ dàng biết được phải nhờ ai giúp đỡ. Nhà tâm lý học giải thích: "Nếu họ muốn tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa được cấp phép để kê đơn thuốc, làm các kiểm tra thêm (về sự phối hợp chức năng vận động thần kinh, khả năng ngôn ngữ), mà vẫn được hoàn tiền bảo hiểm, thì bác sĩ tâm lý trẻ em là phù hợp nhất. Có thể đến gặp trực tiếp chuyên gia tâm lý trẻ em mà không cần phải thông qua một bác sĩ đa khoa. Mặt khác, nếu cha mẹ muốn giải quyết vấn đề thông qua các buổi thảo luận, trò chuyện, một nhà tâm thần học sẽ phù hợp hơn. Còn việc chọn tư vấn với nhà phân tích tâm thần học (có một hoặc hai chức danh nói trên), ngay cả khi những nhà phân tích về trẻ em rất hiếm, sẽ tạo ra kết quả đôi khi hơi khác một chút, đặc biệt là qua những bức vẽ hay giấc mơ của đứa trẻ - hứa hẹn sẽ rất hữu ích trong liệu pháp trị liệu lâu dài”. Vì vậy, tất cả phụ thuộc vào vấn đề mà gia đình gặp phải.
Nhà tâm lý học nói: "Không thể tư vấn tâm lý cho một đứa trẻ mà không tư vấn cho gia đình. " Đây là điểm đầu tiên tạo ra sự khác biệt giữa liệu pháp của trẻ em và liệu pháp dành cho người lớn. Các buổi phỏng vấn với cha mẹ, và thái độ của họ trong khi tư vấn, là tất cả thông tin cần thiết để nhà trị liệu tâm lý hiểu rõ hơn về bệnh nhân nhỏ tuổi. Do đó, ngay cả khi cha mẹ không thể tham dự toàn bộ buổi tư vấn, sự hiện diện thường xuyên của họ là điều cần thiết.
Hơn nữa, với một đứa trẻ hoặc một thanh thiếu niên, các kỹ thuật để tiếp cận tâm lý không giống nhau, và các công cụ để bộc lộ và hòa giải cảm xúc, chẳng hạn như bản vẽ, trò chơi hoặc thể loại âm nhạc thường tiếp xúc.
Thời lượng tư vấn có thể thay đổi tùy thuộc vào vấn đề gặp phải. « Đôi khi bệnh nhân nhí có thể mở lòng ra ngay trong cuộc tư vấn đầu tiên và trò chuyện thoải mái, làm rõ tình huống trẻ nhỏ đang gặp phải dễ dàng. Gia đình có thể không nhận ra điều này ngay lập tức, nhưng khi họ trở lại vào lần hẹn tiếp theo, họ thường ngạc nhiên rằng tình hình đã được cải thiện”. Khi cần nhiều buổi tái khám hơn, liệu pháp trị liệu có thể kéo dài đến một năm, đôi khi lâu hơn. Nhà tâm lý học giải thích : "Cá nhân tôi thường hay trị liệu tâm lý khi bắt đầu năm học. Và việc chữa trị sẽ kéo dài cho đến kì nghỉ hè tiếp theo, trừ khi thời điểm bắt đầu trị liệu xảy ra muộn hơn. Nhưng thông thường, từ thời điểm trẻ em nhập học, việc tư vấn tâm lý sẽ bắt đầu ngay sau kỳ nghỉ tháng 10. Đây thường là thời điểm những khó khăn đầu tiên, về học tập hoặc không, bắt đầu đè nặng lên cuộc sống hàng ngày. “
Nhà tâm lý học tỏ ra bất ngờ khi kể lại : “Kỳ vọng của các bậc cha mẹ thường vượt quá khả năng của chúng tôi. Hầu hết đều muốn xuất hiện một phép màu và nhanh chóng tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề của họ. Nói tóm lại, họ gần như muốn chúng tôi biến đổi đứa trẻ theo ý họ muốn. Nhưng nó không hề đơn giản và hơn hết, đó không phải là vai trò của bác sĩ chúng tôi”. Do đó, để dễ đánh giá kỳ vọng của các bên, nhà trị liệu thường xuyên trao đổi với phụ huynh để họ có thể bày tỏ cảm xúc và nhận xét của mình. Ví dụ khi cha mẹ nói rằng họ rất thất vọng vì chưa có kết quả rõ ràng, bác sĩ tâm lý có thể nhắc họ rằng sự tiến triển để khỏi chứng rối loạn tâm thần cần có thời gian và đôi khi có thể khó đánh giá đúng được. Do đó, việc đứa trẻ đồng ý quay lại trường sau khi đòi nghỉ học không phải lúc nào cũng có nghĩa là tốt, và ngược lại.
“Trước khi bắt đầu, cha mẹ cần phải sẵn sàng để nghe những gì nhà trị liệu nói với họ. Bởi vì, tôi nhắc lại, không phải chỉ có đứa trẻ mới liên quan đến việc trị liệu. Một số người có ấn tượng rằng chúng tôi đang can thiệp vào cuộc sống của họ và họ đã cảm thấy không thoải mái với sự xuất hiện của chúng tôi, hay thậm chí, đôi khi là vì những lời khuyên đơn giản mà chúng tôi đưa ra. Tuy nhiên, sẵn sàng tự vấn bản thân cũng là chìa khóa cho một liệu pháp chữa trị thành công. "