Các triệu chứng rối loạn về tâm thần cũng là một dạng bệnh giống như bất kỳ căn bệnh nào khác, không hơn không kém so với các bệnh lí trong cơ thể
Tất cả mọi người đều đồng ý rằng sở hữu một sức khỏe tinh thần tốt là điều cần thiết cho một đời sống lành mạnh. Nhưng chúng ta thường có xu hướng cho rằng trí não ta phát triển khỏe mạnh và hoàn toàn bình thường, và rằng việc nhờ đến sự hỗ trợ tư vấn tâm lý là trường hợp đặc biệt, chỉ dành riêng cho những người yếu đuối hoặc nạn nhân của những biến cố vô hạn trong cuộc đời. Trong khi thực tế thì lại hoàn toàn khác...
Đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tinh thần là "trạng thái khỏe mạnh mà một người có thể nhận thức được về bản thân, vượt qua những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và đóng góp vào sự phát triển của đời sống cộng đồng quanh mình". Do đó, nó là nền tảng để tạo nên hạnh phúc của mỗi người và sự hoạt động đúng đắn trong một cộng đồng. Suy rộng hơn từ định nghĩa này, nó không chỉ liên quan đến từng cá nhân mà còn đến toàn xã hội.
Sức khỏe tinh thần của một cá nhân bị ảnh hưởng phần lớn bởi bối cảnh xã hội, nơi mà người đó được sinh ra và lớn lên (môi trường gia đình, hoàn cảnh kinh tế, v.v.) và bởi các đặc điểm cá nhân (di truyền, lịch sử về đời sống, v.v.), do đó, nó có thể phát triển theo từng giai đoạn khác nhau trong cuộc đời. Nói tóm lại, sức khỏe tinh thần, cũng giống như sức khỏe thể chất, không phải là chuyện hiển nhiên. Đó là kết quả của sự cân bằng mà đôi khi, với sự hỗ trợ phù hợp có thể giúp duy trì hoặc phục hồi nó về lại trạng thái khỏe mạnh.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội quá coi trọng hiệu suất, sự xuất sắc và cạnh tranh giữa các cá nhân. Tuy nhiên, con người vốn dĩ không hoàn hảo và họ cũng có lúc yếu đuối. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thành công, hạnh phúc hay rạng rỡ được.
Vậy nên, điều quan trọng là phải biết rõ về bản thân, tôn trọng giới hạn của mình và học cách đối xử tử tế với chính bản thân.
Chăm sóc bản thân là là một việc rất cá nhân hóa. Trong khi một số người giải tỏa căng thẳng thông qua hoạt động thể thao, những người khác lại chọn đi dạo hoặc đi ăn với bạn bè, ngủ trưa hoặc làm tình. Điều trọng yếu nhất là di chuyển ra khỏi nhà, thay đổi môi trường xung quanh và kết hợp xen kẽ giữa các giai đoạn hoạt động và thư giãn.
Ngoài cách sử dụng lời nói, các hoạt động sáng tạo cũng cho phép bày tỏ những cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực ra ngoài. Điều này giúp giải tỏa căng thẳng hoặc lo lắng.
Cuối cùng, đừng quên vun đắp mối quan hệ với những người xung quanh, gia đình, bạn bè, hàng xóm hoặc cộng đồng. Bằng cách nói chuyện với người khác, lắng nghe họ, chúng ta sẽ sắp xếp lại các ý nghĩ một cách trật tự và sẽ thường tự xoay sở để làm tan biến những căng thẳng đang tồn tại trong bản thân. Điều này sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác được thấu hiểu trong một bầu không khí không phán xét.
Ở mỗi giai đoạn mới trong cuộc đời chúng ta, những sự kiện nhất định sẽ mang đến nhiều thách thức và đòi hỏi những nỗ lực để thích ứng. Những lúc này có thể ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe tinh thần, đặc biệt nếu chúng xảy ra đột ngột và liên quan đến những thay đổi lớn trong cách chúng ta sống.
Ví dụ như khi người thân qua đời, ly hôn, mất việc làm hoặc mắc bệnh hiểm nghèo. Những sự kiện này, đặc biệt nếu chúng xảy ra liên tiếp, có thể là nguồn gốc chính gây căng thẳng và làm suy yếu sức khỏe tinh thần mà, trong nhiều trường hợp, không gây ra rối loạn tâm thần kéo dài. Đôi khi bạn có thể tự mình vượt qua trở ngại, nhưng đôi khi, không có gì phải xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn, những người có thể giúp bạn vượt qua nó dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Đôi khi, tổn thương tinh thần không thể khắc phục được và sẽ dẫn đến rối loạn tâm lý. Tuy nhiên, ngày nay, những người mắc phải loại tình trạng này vẫn là nạn nhân của nhiều định kiến và phân biệt đối xử, thường là do sự thiếu hiểu biết về nguồn gốc và biểu hiện của những bệnh này. Chúng ta vẫn thường bỏ qua sự thật rằng hoàn toàn có thể phục hồi sau rối loạn tâm lý để khôi phục lại một cuộc sống chất lượng. Với điều kiện, ngay từ đầu, người bệnh đã được chẩn đoán chính xác loại rối loạn mà họ mắc phải.
Phần trình bày chung về các rối loạn tâm thần thường gặp sau đây chỉ nhằm cung cấp thông tin về các triệu chứng và hành vi liên quan của chúng. Những giải thích này không cho phép tự chẩn đoán. Chỉ có bác sĩ tâm thần mới được phép chẩn đoán rối loạn mà bạn mắc phải. Ngoài ra, khi chẩn đoán, cần có sự thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ, để họ có thể đưa ra những lời giải thích chính xác và phù hợp hơn.
Lo lắng là trạng thái khi tinh thần bị kích động và bất an, không nhất thiết liên quan đến một đối tượng cụ thể. Nó thường đi kèm với trầm cảm, buồn bã, thu mình vào bản thân, đánh giá thấp bản thân và có thể dẫn đến ý định tự tử.
Có sự khác biệt giữa rối loạn lo âu tổng quát (kéo dài hơn sáu tháng không liên quan đến một đối tượng hoặc tình huống cụ thể), cơn hoảng sợ (nỗi sợ hãi dữ dội mà không có sự hiện diện của một mối nguy hiểm thực sự trong khoảng ba mươi phút, và tình trạng này có thể lặp đi lặp lại), các hội chứng ác cảm với một điều gì đó (phobia) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
Trầm cảm được biểu hiện bằng tâm trạng buồn bã triền miên, mất hứng thú với mọi hoạt động và cảm thấy thiếu năng lượng. Các triệu chứng này còn kèm theo sự tự ti, xuất hiện những mặc cảm không chính đáng, khó tập trung, rối loạn giấc ngủ, chán ăn và giảm ham muốn tình dục ...
Đặc trưng của chứng bệnh này là dễ có sự thay đổi tâm trạng: người bệnh sẽ trải qua giai đoạn hưng phấn cao độ (được gọi là "giai đoạn hưng cảm"), sau đó là giai đoạn trầm cảm, xen kẽ bởi những khoảnh khắc ổn định. Các giai đoạn hưng cảm dẫn đến sự gia tốc rất lớn trong quá trình suy nghĩ, tăng hoạt động thể chất và ham muốn phát ngôn, khó tập trung, giảm nhu cầu ngủ, tăng năng lực tình dục, hoặc thích giao du hơn, hay thậm chí là mua đồ bất chấp, không suy nghĩ.
Ngược lại, biểu hiện của các giai đoạn khi trầm cảm là buồn bã, mất hứng thú, mệt mỏi, rối loạn thèm ăn và / hoặc rối loạn giấc ngủ, mất lòng tự trọng, khó tập trung, có ý định tự tử ...
Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm lý có nhiều dạng khác nhau. Nó thể hiện thông qua sự mất đi tính thống nhất trong tinh thần, dẫn đến sự vô tổ chức nhất định và những hành vi kỳ lạ ở một cá nhân mà những người xung quanh không hiểu được.
Một triệu chứng khác có thể là nhận thức sai về thực tế: người bệnh nhìn, nghe, ngửi hoặc cảm thấy những thứ dường như không tồn tại. Người đó cũng có thể cảm thấy bị ám hại và lo lắng vô cùng.
Chúng bao gồm nghiện rượu, hút thuốc, nghiện ma túy (ma túy và các loại thuốc điều trị bất hợp pháp) và các hành vi gây nghiện (nghiện cờ bạc, internet, v.v.).
Chủ yếu có hai loại rối loạn ăn uống là cảm giác chán ăn và ăn vô độ.
Chán ăn thường được tìm thấy ở thanh thiếu niên do có chủ ý giảm cân và muốn duy trì trọng lượng cơ thể ở mức thấp, nhưng cũng do người bị ảnh hưởng chỉ ăn một số loại thực phẩm nhất định.
Chứng ăn vô độ thể hiện qua việc ăn một lượng lớn thức ăn trong thời gian rất ngắn và lặp đi lặp lại, và đôi khi là do kiểm soát cân nặng quá mức dẫn đến thèm ăn. Trong một số trường hợp, điều này làm người bệnh nôn mửa hoặc phải sử dụng thuốc nhuận tràng để loại bỏ những gì họ đã ăn.
Chứng rối loạn này có thể nhận thấy thông qua sự bất ổn và tính bốc đồng cao, đặc biệt là trong các mối quan hệ với người khác. Các triệu chứng có thể rất khác nhau tùy theo mỗi người. Người đó có thể có những cảm xúc cực đoan (ví dụ như sợ bị bỏ rơi). Ngoài ra, cũng có thể làm những hành động mà tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm (tự làm hại bản thân, sử dụng chất kích thích, tình dục không an toàn, chứng cuồng ăn, v.v...), có hành vi tự sát, thay đổi tâm trạng nghiêm trọng (cáu kỉnh, lo lắng, tức giận, đánh nhau, v.v...) hoặc thậm chí cảm thấy trống rỗng.
Cố gắng tự sát là dấu hiệu của sự tuyệt vọng cùng cực. Khi một người làm ra hành động đó, đó là bởi vì họ coi tự tử là cách duy nhất để chấm dứt những đau khổ mà họ không thể chịu thêm nữa. Sau đây là một số tín hiệu cảnh báo có thể giúp bạn phát hiện ra dự định thực hiện hành vi trên của bệnh nhân: mệt mỏi, buồn bã, cáu kỉnh, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, thu mình, từ bỏ các hoạt động thông thường, v.v... Bình thường, mọi người đều sẽ nói về ý định tự sát trước khi hành động, dù trực tiếp hoặc gián tiếp. Đây là lý do tại sao điều quan trọng nhất là phải chú ý và lắng nghe người bệnh.